Không để nước đến chân mới nhảy

- Năm 2024, Tuyên Quang phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm, các địa phương đã khẩn trương triển khai các phần việc, với tinh thần “Không để nước đến chân mới nhảy”.

Chính quyền quyết liệt

Sơn Dương là địa phương có nhiều xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, với 6 xã là Vân Sơn, Đông Lợi, Đông Thọ, Quyết Thắng, Tam Đa, Minh Thanh. Với quyết tâm cao độ hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, các xã trên địa bàn đều quyết tâm thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí khó.

Theo đồng chí Nguyễn Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, ngoài những tiêu chí cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của các bộ, ngành trung ương thì nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân được huyện đặc biệt coi trọng. Từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới. 

Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong mật Lang Quán (Yên Sơn) Trần Sỹ Toản (bên trái ảnh) kiểm tra đàn ong mật của gia đình.

Chính vì thế, qua rà soát từ cuối năm 2023, số tiêu chí mà 6 xã hoàn thành đã cơ bản đáp ứng tiến độ, trong đó, xã đạt số tiêu chí thấp nhất là 12/19 tiêu chí (xã Vân Sơn), nhiều xã đã đạt từ 16 - 18 tiêu chí như Tam Đa, Đông Lợi.

Xã Thái Long (TP Tuyên Quang) qua rà soát, đánh giá của chính quyền địa phương, ngay trong những tháng đầu của năm mới, đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phan Văn Thực, từ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, ngay khi có chủ trương về đích nông thôn mới nâng cao, ban chỉ đạo của xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng quý, giao trực tiếp cho cán bộ phụ trách các tiêu chí để có nhiệm vụ, giải pháp cho từng chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể.

Tiêu chí cuối cùng mà Thái Long vừa hoàn thành cuối năm 2023 là tiêu chí tổ chức sản xuất. May mắn là hiện trung ương, tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách hỗ trợ phù hợp, nên Thái Long hiện đã xây dựng được sản phẩm bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và gắn mã vùng trồng cho hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Hòa Mục.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Thực, để các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã bền vững, Thái Long đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra hơn nữa chất lượng môi trường tại các doanh nghiệp trong khu vực. Đồng thời đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng các công trình thủy lợi để đảm bảo khả năng tưới tiêu cho diện tích sản xuất tại địa phương.

Nhân dân chủ động

Thôn Đồng Mon, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) cũng đã hoàn thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, Đồng Mon là thôn duy nhất của Thái Long không còn hộ nghèo, khi hộ nghèo cuối cùng của thôn được đảng viên và Nhân dân hỗ trợ, vươn lên thoát nghèo bền vững từ cuối năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt 62 triệu đồng/người/năm.

Cuối năm 2023, 1.000 mét đường bê tông ở Đồng Mon vừa được hoàn thành, nhiều đoạn đường, trong đăng ký chỉ rộng 5 mét, nhưng đã được người dân tự nguyện đóng góp thêm, mở rộng ra đến hơn 8 mét.

Gia đình ông Đỗ Quang Vinh, Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đồng Mon là 2 gia đình được lựa chọn xây dựng vườn mẫu của xã Thái Long. Nhìn những hàng ổi, thanh long được trồng đúng quy cách, hàng lối, toàn bộ quy trình sản xuất áp dụng hoàn toàn tiêu chuẩn hữu cơ... khiến khách tham quan rất thích thú. 

Trong số 7 tiêu chí chưa hoàn thành là Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Môi trường và An toàn thực phẩm, Y tế, tiêu chí Thu nhập được chính quyền xã Lang Quán (Yên Sơn) xác định là tiêu chí kém bền vững nếu không có sự chủ động, ý thức tự vươn lên của người dân.

Đồng chí Bế Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Lang Quán cho biết, xác định điều đó, xã đã có nhiều giải pháp tăng thu nhập cho bà con. Một trong số đó là hình thành, xây dựng các hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ dựa trên những nhóm cùng sở thích trước đó.

Hợp tác xã Nuôi ong mật Lang Quán là một trong số đó. Ông Trần Sỹ Toản, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, 7 thành viên trong hợp tác xã cũng là 7 thành viên đầu tiên khi thành lập nhóm nuôi ong ở thôn 21. Mỗi năm, sản lượng mật ong của các thành viên cung cấp cho thị trường đạt trên 4.000 lít, với giá bán trung bình trên dưới 100 nghìn đồng/lít. Nhiều thành viên từ số lượng đàn nhỏ, giờ đã mở rộng quy mô lên 90-100 đàn. Sau hơn 8 năm đồng hành, nhận thấy việc cần thiết phải thành lập hợp tác xã, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm, cuối năm 2023, ông được chính quyền hướng dẫn các thủ tục thành lập, đồng thời, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Mật ong rừng Lang Quán và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, ngoài 7 thành viên hợp tác xã, Hợp tác xã Nuôi ong mật  Lang Quán đang liên kết với 8 hộ khác trong xã để thực hiện thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Năm 2024, Lang Quán đặt mục tiêu sẽ thành lập thêm 1 hợp tác xã trên cơ sở nhóm cùng sở thích trước đó là Hợp tác xã chăn nuôi dê.

Không trông chờ, ỷ lại, không chờ nước đến chân mới nhảy, chính sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chủ động, ý thức tự giác của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới đang tạo ra những điểm sáng, tạo bứt phá cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang ngay từ những ngày đầu năm.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục