Di tích trên thềm sông: Địa điểm Nà Thìn

- Nằm đối diện với bản Nà Mạ ở phía bờ trái bên kia của sông Gâm là bản Nà Thìn thuộc xã Xuân Tân (xã này từ năm 2002 nằm trong lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đã giải thể).

Bản Nà Thìn thuộc xã Xuân Tân từ năm 2002 nằm trong lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, đã giải thể.

Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của người Dao. Địa điểm Nà Thìn phân bố ở khu vực bến thuyền từ bản Nà Thìn sang bản Nà Mạ. Tại đây, có một dải đất cao 10-120m so với mặt nước sông. Đây chính là thềm bậc I sông Gâm. Khu vực này nguyên là một khúc cong khá lớn của dòng sông, đã có nhiều đoạn thềm bị sụt lở trôi xuống lòng sông, tạo thành những ta luy xuất lộ toàn bộ mặt cắt của bậc thềm.

Chính tại các chỗ sụt lở này, đã phát hiện được một số công cụ cuội ghè. Có cơ sở để cho rằng những di vật đá này bị sạt lở, lăn rời từ trong tầng cuội kết thuộc thềm bậc I xuống, bởi đã phát hiện được một số công cụ ngay trong tầng cuội kết. Hầu hết các công cụ ở đây có lớp patin phủ dày, chứng tỏ nó đã bị chôn vùi trong đất khá lâu. Không có bất cứ tài liệu cổ sinh hay di vật nào khác ngoài đồ đá đẽo ra. Nói cách khác, tầng văn hóa khảo cổ ở đây rất mờ nhạt, phân tán.

Bốn di vật đá phát hiện được ở Nà Thìn đều chế tác từ nguồn đá cuội tại bãi cuội trên sông Gâm, gồm: 3 công cụ chặt đập thô, 1 công cụ hình bầu dục.

Loại tiêu bản thứ nhất, ban đầu là hòn cuội hình bầu dục khá dày, chất liệu quarzite hạt mịn. Ở một đầu ngang của hòn cuội, người xưa ghè đẽo hạn chế ở phần rìa cuội và trên một mặt cuội tạo thành rìa tác dụng khá thẳng. Kỹ thuật tạo lưỡi khá đơn giản, chỉ bằng một lớp ghè với vài ba nhát ghè mạnh liên tiếp đã tạo ra một rìa lưỡi khá sắc. Đầu đối diện thì giữ nguyên vỏ cuội để làm đốc cầm. Công cụ thích hợp cho việc chặt đập.

Loại tiêu bản thứ hai được phát hiện trong tầng cuội kết, nằm ở độ sâu 4m so với bề mặt. Di vật được chế tác từ một viên cuội quarzite màu xám, hạt mịn, có hình gần tròn. Người xưa đã ghè đẽo hạn chế xung quanh rìa cuội. Đây là cách ghè mà các cư dân cổ của văn hóa Hòa Bình rất ưa dùng. Chưa có sự gia công lần hai trên rìa lưỡi. Ở một đầu dày của công cụ, phần rìa không sắc bén được sử dụng làm đốc cầm. Mặt ngoài công cụ có một lớp patin màu vàng phủ dày. Công cụ thích hợp cho việc chặt đập, cắt khía.

Dựa vào kết cấu địa tầng và các di vật, có thể cho rằng, Nà Thìn là một địa điểm khảo cổ học thuộc loại hình thềm sông, thềm bậc I của sông Gâm. Những công cụ ở đây tuy ít nhưng có đặc điểm gần gũi với công cụ hang Phia Vài. Có nhiều khả năng đây là địa điểm cư trú của cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình.

Thảo Chi                

(Theo Địa chí Tuyên Quang)

Tin cùng chuyên mục