Giữ gìn trang phục truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

- Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên bức tranh văn hoá nhiều màu sắc trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là vẻ đẹp trong trang phục truyền thống.

Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hoá và giao lưu văn hoá, dẫn đến văn hoá truyền thống dần bị mai một, trong đó có việc mặc trang phục truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp đồng bào mặc trang phục truyền thống trong lao động sản xuất, học tập thường ngày, nhưng nay hình ảnh đó thưa dần, thay vào đó là những trang phục hiện đại, nhẹ nhàng, thuận tiện hơn cho việc di chuyển và hoạt động.

Trang phục của phụ nữ Dao đỏ.

Bởi vậy, để giữ gìn trang phục truyền thống, nhiều thôn, bản, xã trong tỉnh đã thành lập các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là nơi tập hợp, quy tụ những người yêu văn hoá truyền thống, mong muốn truyền dạy lại những nét đẹp của văn hoá dân tộc cho cộng đồng. Các câu lạc bộ còn mở những lớp học văn hoá truyền truyền thống cho thế hệ trẻ. Tại đây các em không chỉ được học tiếng nói, chữ viết; học hát, múa, mà còn được hướng dẫn cách thêu, may và mặc trang phục truyền thống…

Em Lý Thị Ngọc Phương, thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai (Sơn Dương) chia sẻ, tham gia Lớp truyền dạy tiếng nói và hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu của xã em được học cách mặc trang phục truyền thống. Bố mẹ đã sắm cho em một bộ trang phục để em có thể cùng các bạn tham gia biểu diễn văn nghệ, giao lưu với các thôn, xã trong huyện. Đặc biệt là được diện trong các dịp lễ, Tết như các bà, các mẹ. Em rất vui và tự hào là người con của dân tộc Sán Dìu.

Đặc biệt, để giữ gìn trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, tại các trường dân tộc nội trú, bán trú đã quy định học sinh mặc trang phục dân tộc thiểu số vào thứ 2 đầu tuần, trong các dịp tổ chức hoạt động ngoại khoá đầu xuân. Các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước quy định việc mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết, trong các lễ hội truyền thống. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp trong trang phục truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương.

Chị Hà Thị Minh, thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình cho biết, trong thôn có đám cưới là các bà, các chị lại mặc trang phục truyền thống của đồng bào Cao Lan. Mỗi người một việc hộ gia đình cô dâu, chú rể rất vui vẻ. Nhìn bộ trang phục của dân tộc được mọi người mặc trong những ngày lễ trọng đại, ai cũng phấn khởi, tự hào. Đó còn là cách để nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ ở địa phương hãy biết trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Trang phục của đồng bào dân tộc Cao Lan được sử dụng trong dịp lễ quan trọng.

Bên cạnh đó, tại các lễ hội đầu năm, ngoài phần lễ trang trọng, các địa phương còn tổ chức phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Trong đó, phần thi trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số được đông đảo người dân đón xem và cổ vũ. Sắc màu các dân tộc trên từng bộ trang phục được các người mẫu không chuyên là những cô gái, chàng trai trình diễn uyển chuyển, tự tin, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho lễ hội. Qua đó, không chỉ tạo dấu ấn riêng, mà còn là một trong những điểm nhấn để thu hút du khách đến với địa phương.

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có giữ gìn trang phục truyền thống đang được đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả. Qua đó, góp phần phát huy bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.          

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục