Luyện ngựa đua

- Anh Hoàng Văn Liên, thôn Pá Han, xã Phù Lưu (Hàm Yên) mới 36 tuổi nhưng đã có 15 năm gắn bó với nghề nuôi ngựa và huấn luyện ngựa đua. Anh bảo, ngày xưa ngựa được người dân nơi đây dùng để chở nông sản, chở phân bón lên núi, nhưng nay ngoài làm công việc thường ngày đã được huấn luyện thành các chiến mã, tham gia thi đấu tại các trường đua khu vực.

Xuất phát từ đam mê

Anh Liên tự hào kể, anh là người có thâm niên lâu năm trong huấn luyện ngựa đua của Làng Khiêng, nay được chia làm 3 thôn gồm: Pá Han, Thôm Tấu, Bản Ban. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, anh được cha mẹ giao chăm sóc 3 hecta cam của gia đình, ngày đó vận chuyển phân bón đều phải dùng ngựa, sức người không kham được. Là thanh niên hay đi giao lưu ở các địa phương, năm 2007, một lần được đi xem đua ngựa tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) anh bị say như điếu đổ, khi về nhà anh cứ đi tìm hiểu khắp làng trên xóm dưới tại xã Phù Lưu xem có ai biết cách chọn ngựa đua hay không nhưng đều nhận được sự lắc đầu của các bậc bô lão.

Nung nấu ý định nuôi ngựa đua gần 10 năm, tự tìm hiểu qua sách vở, qua mạng Internet, mãi đến năm 2017, anh tình cờ được giới thiệu một chú ngựa non 1 tuổi ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) có đầy đủ khoang khoáy của một chú ngựa đua, gạ mãi họ mới để với giá 35 triệu đồng. Có ngựa tốt, anh Liên bỏ nhiều công chăm sóc và nâng niu như báu vật, ngoài cho ăn cỏ và làm việc thồ hàng như bình thường để rèn luyện cơ, xương, ngựa còn được bổ sung ngô hạt, được tắm hàng ngày vào mùa hè, ở chuồng kín gió vào mùa đông và đều đặn được luyện tập mỗi ngày.

Anh Nông Văn Nghinh, thôn Pá Han, xã Phù Lưu (Hàm Yên) dẫn đầu đoàn đua tại Giải đua ngựa đầu xuân 2024 - Shanrila Mường Lò (Yên Bái).

Vén chiếc áo để lộ chiếc xương quai xanh mọc hơi lệch, anh Liên bảo, đó là hậu quả của lần đầu tiên tập cưỡi ngựa. Là giống ngựa bản địa chỉ nặng có hơn 2 tạ, nên ngựa không hề có yên cưỡi, chỉ có dây cương để điều khiển, người cưỡi ngựa (nài ngựa) phải có kỹ năng ngồi thăng bằng, ghìm 2 chân vào mạn sườn để không bị ngã và biết ngả khi vào các khúc cua. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng để làm thuần thục là điều vô cùng khó khăn.

Được mệnh danh là anh Cả trong câu lạc bộ (CLB) “Anh em đam mê ngựa” của Làng Khiêng, anh Nguyễn Văn Thụ, thôn Thôm Tấu năm nay đã gần 50 tuổi nhưng niềm đam mê với ngựa đua vẫn còn cháy hơn cả thanh niên. Anh Thụ cởi mở nói, phải xuất phát từ đam mê, bởi ngựa phải được 3 tuổi mới bắt đầu được cưỡi khi hệ cơ xương đã đủ vững chắc, những ngày đầu tiên, người cưỡi phải đối mặt với sự phản ứng của con vật, nhiều khi ngựa lồng, chạy tốc độ không kiểm soát với vận tốc 60 - 70 km vô cùng nguy hiểm.

Tuy mới chỉ gắn bó với chăm sóc ngựa đua được chừng 7 năm nay, nhưng là người có kinh nghiệm nuôi ngựa sinh sản lâu năm, đến nay anh Thụ đang là “cố vấn” cho toàn đội về kỹ thuật chăm sóc và cách xử lý các tình huống bất trắc trong quá trình chăm sóc.

Đến những dự định

Mới đây, chú ngựa của anh Hoàng Văn Liên, đội đua Làng Khiêng đã giành giải Nhất tại Giải đua ngựa đầu xuân 2024 - Shanrila Mường Lò (Yên Bái) với phần thưởng 50 triệu đồng và những lời gạ mua với giá 150 triệu đồng hay xin phối giống nhưng anh vẫn quyết giữ với mục đích bảo tồn.

Anh Nông Văn Nghinh, thôn Pá Han xuất hiện với dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, anh Nghinh kể, là người nhẹ cân nhất trong đội, anh được trao nhiệm vụ là nài ngựa (cưỡi ngựa đua) tham gia thi đấu, có thâm niên nuôi ngựa cũng ngót chục năm và khá thành thạo các kỹ năng cưỡi. Anh tâm sự, chính cái sự “phiêu” khi cưỡi ngựa chạy nước đại đã làm anh say môn này, thôi thúc anh phải chinh phục những nấc thang mới trong sự nghiệp. Từ năm 2017 khi xã Phù Lưu tổ chức cuộc đua ngựa đầu tiên đến nay anh Nghinh luôn là đại diện mang về nhiều thành tích cho toàn đội.

Giải Nhất tại Giải đua ngựa đầu xuân 2024 - Shanrila Mường Lò (Yên Bái) thuộc về đội đua Làng Khiêng.

Gặp chúng tôi chóng vánh, anh lại “khăn gói quả mướp” tất tả về Hưng Yên để tiếp tục công việc “bật mã ôn”, anh khoe, hiện quản lý 5 con ngựa của một công ty dưới Khu công nghiệp Minh Khai, huyện Văn Lâm, nuôi với mục đích phục vụ khách du lịch. Cũng chính nhờ nuôi và huấn luyện ngựa đua mà hiện anh cùng một người cùng thôn đang có thu nhập ổn định mỗi tháng gần 20 triệu đồng nơi xứ người.

Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu chia sẻ, cả 3 thôn Pá Han, Thôm Tấu, Bản Ban hiện có trên 10 con ngựa tham gia thi đấu thường xuyên và lần nào cũng mang vinh dự về cho quê hương. Có một thực tế, ngựa tham gia đua đều được chọn lọc và mang những nguồn gen cần được bảo tồn, chính quyền xã cũng rất khuyến khích Nhân dân nuôi ngựa sinh sản, vừa làm kinh tế lại bảo tồn nguồn gen có hiệu quả.

Lão nông chi điền Đàm Thanh Biên, thôn Ban Nhàm, xã Phù Lưu năm nay đã gần 60 tuổi. Là người có công đầu trong chuyển đổi từ đấu ngựa sang làm đua ngựa tại xã, ông Biên cho biết, mất vài năm dịch bệnh Covid - 19, trường đua của gia đình tạm đóng cửa và nhường chỗ cho mô hình trồng cây giang giống, ông trầm ngâm, thực sự rất tiếc vì giải đua gắn bó với Lễ hội Chợ Thụt thu hút rất đông du khách cổ vũ, hình ảnh các chàng trai vùng cao với khí chất mạnh mẽ, điều khiển ngựa điêu luyện trông thật oai hùng. Thực tế để duy trì được trường đua cần khoản chi phí rất lớn, mà cá nhân ông thì cũng chỉ cố gắng được phần nào.

Chiều tà đang dần bủa vây, loáng thoáng có tiếng ngựa chạy nước kiệu cộp cộp trên con đường bê tông trải dài giữa các khe núi, anh Nguyễn Văn Bộ, thôn Bản Ban đang trong quá trình luyện tập chú ngựa để chuẩn bị cho cuộc đua tại Yên Bái vào ngày Tết Độc lập sắp tới. Tiếng ngựa hí bắt đầu vang lên cả một vùng sơn cước.

Trước lúc chia tay, anh Cả Nguyễn Văn Thụ, thôn Thôm Tấu vẫn bồi hồi, muốn nhân giống được ngựa phải có ngựa cái, nhưng đi chọn ngựa cái thì khó hơn nhiều. Mọi người trong nhóm đang quyết tâm năm 2024 sẽ phấn đấu ra đời vài chú ngựa con từ đàn ngựa đua, bởi vài năm nay mới nhân được có 1 con duy nhất, có ra đời nhiều hậu duệ thì mới giữ gìn và nâng tầm thương hiệu ngựa đua Phù Lưu trong tương lai.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục