Mỹ - Israel leo thang căng thẳng

Sau nhiều nỗ lực thất bại trong hơn 5 tháng diễn ra cuộc xung đột Israel - Hamas, ngày 25-3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Mỹ vốn là rào cản duy nhất đối với những lời kêu gọi như vậy, đã bỏ phiếu trắng trong lần biểu quyết này. Bước đi chưa từng có của Washington ngay lập tức đẩy căng thẳng giữa đồng minh thân cận Mỹ - Israel lên một nấc thang mới.


Đại sứ Mỹ tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức. Ảnh: Reuters

Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết 45 lần để mang lại lợi ích cho Israel kể từ những năm 1970. Vì vậy, việc đồng minh thân cận lần này bỏ phiếu trắng thay vì phủ quyết - như đã liên tục thực hiện trong nhiều năm qua - thật sự là một “cú sốc” đối với Tel Aviv.

Ngay sau khi nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, giới chức Israel chỉ trích nghị quyết này và thẳng thừng tuyên bố không có ý định ngừng bắn. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trả đũa động thái thỏa hiệp của Washington bằng cách hủy chuyến công du đã lên lịch tới Mỹ của hai cố vấn hàng đầu. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi và Ron Dermer, một thành viên nội các chiến tranh đã lên kế hoạch tới Washington vào tối 25-3 theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về các phương án thay thế cho cuộc tấn công đã được Israel lên kế hoạch vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza. Một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu bình luận: “Đây rõ ràng là một sự rút lui khỏi lập trường nhất quán của Mỹ trong Hội đồng Bảo an kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này”; đồng thời cho biết, “việc rút lui này làm tổn hại đến cả nỗ lực chiến tranh và nỗ lực giải thoát con tin”.

Trước đây, Nhà Trắng kiên quyết ủng hộ những nỗ lực của đồng minh, bất chấp nhiều lần quốc tế kêu gọi ngừng bắn khiến ngày càng có nhiều chỉ trích với cách thức xử lý cuộc xung đột của Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nhưng gần đây, những dấu hiệu bất đồng giữa hai bên đã xuất hiện. Việc Mỹ bỏ phiếu trắng với nghị quyết lần này của Liên hợp quốc được xem là bước ngoặt trong lịch sử quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel, nhưng không thể coi là một bất ngờ. Tổng thống Joe Biden đã từng bước rời xa những cam kết hỗ trợ ban đầu dành cho Israel sau vụ Hamas tấn công vào nước này, ngày 7-10-2023. Thời điểm đó, ông chủ Nhà Trắng không chỉ lên án các vụ tấn công đẫm máu của Hamas ở miền Nam Israel mà còn đồng ý với chính phủ nước này rằng, lực lượng Hamas phải bị loại bỏ.

Lý giải đằng sau việc Mỹ bỏ phiếu trắng với nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của Liên hợp quốc, Frank Lowenstein, một cựu quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng dẫn dắt các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine vào năm 2014, nhận định trên tờ Washington Post rằng, có ba yếu tố chính đã thúc đẩy động thái này. Đó là những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Israel về cuộc tấn công quy mô lớn vào Rafah, tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza và những thông báo của Israel về các khu định cư mới ở Bờ Tây trong chuyến thăm tuần qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tổng thống Joe Biden đang trong cuộc đua tái tranh cử vào tháng 11, phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các đồng minh thân cận cũng như ngày càng nhiều thành viên Đảng Dân chủ. Nhiều kiến nghị được đưa ra nhằm kiềm chế quân đội Israel trong nỗ lực tấn công vào Dải Gaza, khi số dân thường thiệt mạng đã vượt quá 32.000 người. Các quan chức của chính quyền Joe Biden lo ngại Israel có nguy cơ trở thành quốc gia bị quốc tế cô lập nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.

Thực tế, Tel Aviv đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội trên trường quốc tế. Các chính trị gia Mỹ và quan chức châu Âu đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden xem xét lại việc bán vũ khí cho Israel khi số lượng dân thường thiệt mạng ngày càng lớn ở Gaza. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố, cuộc xung đột sẽ là một “sai lầm” và không loại trừ các hậu quả nếu Israel vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, bất chấp áp lực từ khắp nơi trên thế giới, Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn giữ vững lập trường và khẳng định, sẽ tiếp tục tấn công vào thành phố phía Nam Gaza, nơi có hơn một triệu người Palestine đang tìm nơi ẩn náu.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Kurtzer giải thích, chính quyền Tổng thống Joe Biden “đang cân nhắc liệu Israel có tuân thủ Bản ghi nhớ An ninh quốc gia mới hay không, trong đó yêu cầu những nước nhận vũ khí của Mỹ phải bảo đảm rằng, chúng sẽ được sử dụng phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và sẽ không cản trở hoặc hạn chế việc cung cấp viện trợ nhân đạo của Mỹ”.

Nhiều nhà phân tích nhận định, thách thức hiện nay đối với Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu là giữ cho sự khác biệt không leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục