Tổ chức người tiêu dùng châu Âu kêu gọi điều tra các chatbot AI

Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC) kêu gọi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thuộc Liên minh châu Âu (EU) điều tra ChatGPT và các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) do lo ngại về những rủi ro mà công nghệ này có thể gây ra cho người tiêu dùng.

Nhiều nước trên thế giới đang cân nhắc hạn chế ChatGPT do lo ngại về mất an ninh dữ liệu. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Reuters ngày 24/4 cho biết, BEUC vừa gửi thư Mạng lưới an toàn người tiêu dùng (CSN) và Mạng lưới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (CPC) bày tỏ sự lo lắng đối với tác hại tiềm ẩn của ChatGPT và các chatbot AI khác.

Theo BEUC, nội dung do chatbot tạo ra có vẻ đúng và đáng tin cậy nhưng thường không chính xác trên thực tế. Nó có thể đánh lừa người tiêu dùng đồng thời cũng tạo môi trường cho hoạt động quảng cáo sai sự thật.

Tổ chức này cho hay, nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những mối nguy cơ này.

Trong thư gửi mạng lưới CPC và Ủy ban châu Âu, Phó Tổng Giám đốc BEUC Ursula Pachl nhấn mạnh yêu cầu cần phải điều tra những rủi ro mà các hệ thống AI gây ra cho người tiêu dùng như một vấn đề cấp bách.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc BEUC yêu cầu phải có các biện pháp khắc phục để bảo vệ người tiêu dùng trước những nguy cơ tiềm ẩn từ các chatbot AI.

BEUC cũng đề nghị Mạng lưới an toàn người tiêu dùng (CSN) bắt đầu trao đổi thông tin và điều tra về các rủi ro an toàn của những sản phẩm này.

Thời gian qua, ứng dụng ChatGPT của công ty khởi nghiệp OpenAI đang ngày càng trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia trên thế giới nhờ khả năng bắt chước con người và tạo ra văn bản cũng như hình ảnh dựa trên lời nhắc.

Chính điều này đã thúc đẩy một số “ông lớn” công nghệ như Google (thuộc Alphabet), AWS - bộ phận đám mây của Amazon, và Meta Platforms đồng loạt tung ra các công cụ tương tự nhằm cạnh tranh với ChatGPT.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục