Tự đánh mất mình

- Hiện nay, bên cạnh những cán bộ đảng viên gương mẫu, tận tụy trách nhiệm ngay cả khi đã nghỉ hưu, vẫn còn hiện tượng cán bộ, đảng viên hưu trí có biểu hiện không nhất quán với khi đương chức.

Biểu hiện ở chỗ sẵn sàng “chém gió”, bàn luận đủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác nhân sự, rồi tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ đương nhiệm, nêu những dẫn chứng “nghe nói, nghe đồn”. Một số người từng giữ chức vụ cao, nhưng khi nghỉ hưu lại chê bai cơ quan cũ, nói xấu lãnh đạo đương nhiệm và phê phán những chủ trương, chính sách hiện hành. Trên mạng xã hội, dễ thấy các bài đăng và bình luận của họ toàn màu xám, chỉ trích, phê phán…

Đáng buồn, có những cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu viện lý do sức khỏe để nghỉ sinh hoạt Đảng, nhưng vẫn chạy bộ, đạp xe, đi nhậu, du lịch chăm chỉ. Có người thờ ơ với các phong trào của khu dân cư; nhưng lại hăng hái lên mạng xã hội trăn trở việc thế sự, nêu quan điểm cá nhân, bình luận, chia sẻ thiếu ý thức chính trị về những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng.

Chắc họ nghĩ về hưu thì không bị ràng buộc, chẳng có gì để mất nữa nên cho mình tự do phát ngôn, có lúc quá đà.

Những hiện tượng này dễ dẫn đến những nguy hại khó lường. Bởi trong mắt người dân, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền về hưu không chỉ là công dân bình thường mà còn là hình ảnh liên quan đến cơ quan, tổ chức hay lực lượng mà họ đã từng công tác. Nên mỗi bình luận, phát ngôn của cán bộ đảng viên về hưu đều được nhiều người tin cậy.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song, đã là người hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là người cách mạng thì cần phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người bình thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. 

Vậy nên, cán bộ đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu ngay cả khi đã nghỉ hưu. Nếu không, chính là đã phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, nói không đi đôi với làm, là đã vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước; tự đánh mất mình.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục