Hướng tới lễ hội Gò Tháp năm 2022

Lễ tưởng niệm ngày mất của Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là một trong hai kỳ lễ hội hằng năm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Mỗi kỳ lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách thập phương viếng và tham quan.

Du khách thập phương viếng Đền thờ Đốc Binh Kiều. (Ảnh tư liệu).

Lễ hội Gò Tháp là kỳ lễ hội lớn ở Đồng Tháp, cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2021, vì lý do dịch bệnh, lễ được tổ chức ở quy mô nội bộ. Năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp thống nhất tổ chức Lễ tưởng niệm 156 năm ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và 10 năm Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… đậm chất Nam Bộ.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Vào những ngày lễ hội, Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Hằng năm, chỉ ba ngày diễn ra lễ hội nhưng có đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt khách thập phương tìm đến đền viếng hai vị Anh hùng dân tộc, thắp hương, tưởng nhớ, tri ân hai cụ.

Theo Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp Phùng Quốc Danh, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào những năm 1864-1866, khởi nghĩa của Thiên hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười nổi lên như là ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân ta ở Nam bộ.

Đại bản doanh Gò Tháp đã trở thành một điểm sáng trong bức tranh lịch sử chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ 19. Dưới sự lãnh đạo của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, nhân dân Đồng Tháp Mười đã nêu cao truyền thống kiên trung bất khuất, chống giặc giữ nước của người dân Nam bộ tiếp nối tinh thần chống ngoại xâm của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Để tỏ lòng tôn kính và khâm phục trước sự hy sinh của hai vị Anh hùng dân tộc, nhân dân vùng Gò Tháp đã lập đền thờ để tưởng nhớ. Từ đây, tín ngưỡng thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều ở Gò Tháp đã hình thành và lan tỏa ra khắp vùng Đồng Tháp Mười, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân vùng này.

“Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng này vẫn sống trong lòng người dân Nam Bộ, không ngừng mở rộng lan tỏa vào đời sống nhân dân Nam Bộ. Đã từ rất lâu, ngày tưởng niệm hai vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Gò Tháp đã trở thành lễ hội truyền thống, có sức lan tỏa ngày càng rộng”, ông Phùng Quốc Danh cho biết.

Lễ hội được nâng tầm về quy mô, đổi mới về nội dung, hình thức nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, nét độc đáo mỗi khi nói đến Lễ hội Gò Tháp hàng năm là sự chia sẻ, đồng hành của bà con khắp nơi từ vật chất đến công sức. Tất cả vì thành công của lễ hội với một lòng hướng về 2 vị Anh hùng của dân tộc.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16/11 âm lịch. Ai cũng mong muốn hòa vào không khí trang trọng, thiêng liêng của phần lễ; sự náo nhiệt, vui tươi của phần hội bằng tất cả lòng biết ơn, sự tôn kính đối với vị anh hùng đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, người đi hội từ khắp nơi mang về cúng đền với tấm lòng thành của mình đối với hai vị anh hùng như: tài vật, rau củ, quả, gạo, đường… người dân từ các địa phương tình nguyện, thay nhau dọn dẹp, chế biến, tiếp đãi miễn phí cơm chay, nước uống mỗi ngày cho hàng trăm ngàn du khách đến viếng đền thờ với tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự nguyện và hăng hái.

Sẵn sàng cho kỳ lễ hội lớn ở miền tây

Bên cạnh viếng đền thờ, tỏ lòng tôn kính trước sự hy sinh của hai vị Anh hùng dân tộc, năm nay, khách thập phương còn được hòa mình vào kỳ lễ hội lớn ở miền tây.

Lễ tưởng niệm 156 năm ngày mất của Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và 10 năm Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2022 sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 7-9/12 (nhằm ngày 14-16/11 âm lịch) tại Khu di tích Gò Tháp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Ngô Quang Tuyên cho biết, năm nay, tỉnh tổ chức lễ tưởng niệm kết hợp kỷ niệm 10 năm Khu di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Do đó lễ hội năm nay tại Gò Tháp càng thêm long trọng và phong phú các hoạt động. Lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức trang trọng, mang tính cộng đồng theo nghi thức dân gian truyền thống, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Lễ tưởng niệm diễn ra 2 phần, gồm phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra trang trọng với các nghi thức như: cúng thần nông, thỉnh sắc, cầu an, thỉnh sanh… Phần hội được tổ chức nhiều hoạt động phong phú, hứa hẹn sẽ thu hút khá đông du khách đến tham quan và cùng hòa mình vào lễ hội.

Đáng chú ý, lễ hội năm nay sẽ diễn ra các hoạt động như: “không gian giao lưu Đờn ca tài tử”, “không gian văn hóa - ẩm thực”, chọi gà nghệ thuật, chọi chim, viết thư pháp kết hợp với ẩm thực dân gian, trà đạo, trình diễn nhạc lễ và văn hóa trầu cau; chương trình biểu diễn nghệ thuật (trích đoạn cải lương, ca múa nhạc chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp).

Ngoài ra, du khách còn được tham quan, mua sắm tại “Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp”, sản phẩm đặc sản của các xã, thị trấn trong huyện Tháp Mười, hàng quà tặng, lưu niệm, sản phẩm khởi nghiệp; giới thiệu tour, tuyến du lịch, đặc biệt tour Lễ hội Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười - Khu di tích Xẻo Quýt…

Trong khuôn khổ lễ hội, có triển lãm ảnh nghệ thuật về sen, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, quê hương Đồng Tháp; triển lãm tài liệu và hoạt động thư viện lưu động; hội thi ẩm thực các món ngon từ sen; hội thảo làng nghề; nói chuyện chuyên đề “Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều”.

Giám đốc Khu di tích Gò Tháp Trần Chí Cường cho biết, từ nhiều ngày qua, mọi người đã cùng hăng hái bắt tay vào chỉnh trang khuôn viên toàn Khu di tích. Quét dọn vệ sinh, kiểm tra hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện, nước các khu, điểm trong di tích đảm bảo điều kiện về điện, nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân tham dự lễ. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an xây dựng, triển khai các phương án phòng, chống cháy, nổ tại khu vực lễ tưởng niệm và toàn Khu di tích. Ngoài ra, Ban quản lý Khu di tích đã sắp xếp, bố trí mặt bằng trông giữ xe cho đại biểu và nhân dân dự lễ.

Ban Hội hương Khu di tích Gò Tháp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc bài trí, sắp xếp (hoa, quả, vật phẩm), sắp xếp gọn gàng ngăn nắp nội thất Đền thờ, Miếu Bà Chúa xứ, Miếu Hoàng Cô; trực lui nhang các ban thờ, bệ thờ để bảo đảm tính tôn nghiêm và an toàn cháy nổ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười Nguyễn Văn Hiệp cho biết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với ban tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ tưởng niệm. Ủy ban nhân dân xã Tân Kiều và xã Mỹ Hòa (nơi Khu di tích Gò Tháp tọa lạc) phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp bảo vệ và xử lý an ninh trật tự trong dịp lễ tưởng niệm. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị lễ hội đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ lễ hội trên quê hương Tháp Mười.

Năm nay, nét đẹp ở Lễ hội Gò Tháp cũng được duy trì hằng năm như xe đưa rước miễn phí cho người lớn tuổi và trẻ em; cung cấp nước uống, thức ăn miễn phí cho khách thập phương tham gia lễ hội.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục