Nhìn lại 7 năm thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

- Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh sau 7 năm (2016 - 2022) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 15.000 người dân được sử dụng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn, 87% hộ dân có điểm rửa tay bằng xà phòng. Toàn tỉnh hiện đã hỗ trợ đầu tư, xây dựng 7.763 nhà tiêu cho các hộ gia đình, xây dựng được 42 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trạm y tế. Đồng thời đã đào tạo và nâng cao năng lực và thay đổi hành vi vệ sinh cho 100% số trường học, trạm y tế, cộng đồng dân cư và các xã, thôn, bản nằm trong chương trình. Đặc biệt có 44/45 xã đạt vệ sinh toàn xã, đạt tỷ lệ 97,8% so với kế hoạch, đây là con số vượt chỉ tiêu nhiều lần so với lúc bắt đầu triển khai chương trình.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn người dân làm nhà tiêu đạt chuẩn hợp vệ sinh.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ khởi điểm với khoảng 50% gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh, đến nay tỷ lệ này ở các xã nâng lên trên 90% số hộ có nhà tiêu đạt chuẩn, 87% hộ dân có điểm rửa tay bằng xà phòng. Đến nay, theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhiều bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: tiêu chảy, tả, giun sán, các bệnh ngoài da...

Nằm trong "top" đầu toàn tỉnh về phong trào thực hiện vệ sinh toàn xã, xã Chân Sơn (Yên Sơn) hiện đã có trên 85% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình có điểm để xà phòng rửa tay đạt trên 80%. Để thực hiện tốt chương trình, Trạm Y tế xã Chân Sơn đã phối hợp với các thôn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi truyền thông lưu động, vận động người dân trên địa bàn tự xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện rửa tay bằng xà phòng.

Chị Trần Thị Hảo, thôn Hoàng Pháp, xã Chân Sơn cho biết, trước đây gia đình chị sử dụng nước sinh hoạt không có bể chứa, nên chất lượng không đảm bảo; nhà vệ sinh của gia đình lại gần nguồn nước không có hệ thống xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường. Năm 2019, khi triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" tại xã, chị được hỗ trợ 1 triệu đồng xây bể nước có chỗ để xà phòng rửa tay, chị cũng đầu tư làm thêm nhà tiêu hợp vệ sinh tự hoại đúng quy định. Nhờ đó, sức khỏe của mọi người trong gia đình được bảo đảm, ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa hơn. Anh Trần Văn Tu, Trưởng thôn Đèo Hoa chia sẻ: Thôn hiện có 139 hộ dân, trong đó 100% số hộ gia đình đều có nước sạch có bể chứa nước an toàn, nước đều qua quy trình xử lý lọc, có thể uống trực tiếp không cần qua đun nấu. Thông qua Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" đến năm 2022, thôn Đèo Hoa có 20 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh nên các hộ rất phấn khởi và tích cực thực hiện. Trong thôn, nhiều hộ chăn nuôi gia súc đã có ý thức xây dựng bể chứa Biogas, xử lý rác thải hợp vệ sinh để không ảnh hưởng đến cộng đồng.

Ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc triển khai chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước bảo đảm trong sinh hoạt. Từ đó, góp phần phòng, chống các dịch bệnh thường gặp, sức khỏe người dân được nâng lên. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, việc triển khai chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước bảo đảm trong sinh hoạt. Từ đó, góp phần phòng, chống các dịch bệnh thường gặp, sức khỏe người dân được nâng lên.

Lễ phát động chương trình nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân từ những ngày đầu triển khai.

Xã Trung Hà (Chiêm Hóa) nằm trong lộ trình hoàn thiện vệ sinh toàn xã vào cuối năm 2022. Để thực hiện chương trình, xã đã chọn làm điểm 11/18 thôn từ năm 2017, qua gần 6 năm triển khai đã có 10 thôn hoàn thành chương trình, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí an toàn cộng đồng; 100% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Điển hình như thôn Khuổi Hỏi, thôn Lang Chang… với 90% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% người dân được sử dụng nguồn nước sạch. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều tấm gương đã bỏ vốn, bỏ công làm cấu kiện bê tông đúc sẵn hỗ trợ nhân dân cùng làm. Anh Chư Văn Chung, thôn Lang Chang chia sẻ, khi thôn được chọn làm điểm về tiêu chí môi trường, cả thôn họp bàn và đi đến thống nhất sẽ hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện. Gia đình anh Chung đứng ra sản xuất hệ thống lò đốt rác, bể nhà tiêu vệ sinh, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng bê tông đúc sẵn, giá trị sản phẩm được hỗ trợ tiền công tối đa cho nhân dân. Nhờ vậy đến thời điểm này, toàn thôn có 100% số hộ được dùng nước  đạt chuẩn, nhà tiêu hợp vệ sinh, mỗi gia đình đều có 1 lò đốt rác hợp vệ sinh...

Chị Dương Thị Hương Giang, Trưởng Khoa sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình dựa vào cộng đồng được triển khai trên địa bàn các huyện đã góp phần đưa các xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hộ gia đình hoàn thành tốt các chỉ tiêu về tỷ lệ vệ sinh toàn xã bền vững. Đến thời điểm này, 100% số xã, thị trấn có cán bộ tham gia được cập nhật thường xuyên các kiến thức, kỹ năng mới; 100% các xã, thị trấn được triển khai, công tác y tế thôn, bản và có cán bộ phụ trách công tác vệ sinh môi trường được tập huấn hàng năm, hiệu quả mang lại rất thiết thực với từng địa phương.

Phát huy hiệu quả của chương trình, trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường truyền thông về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, giám sát chặt chẽ các công trình, bảo đảm chất lượng nước phục vụ nhân dân. Trạm y tế tuyến xã phổ biến kiến thức vệ sinh cá nhân và hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng đúng cách, nhất là dạy trẻ ở các trường mầm non để các em sớm có ý thức giữ gìn vệ sinh từ nhỏ.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục